Nền tảng Internet nội so kè quyết liệt với Google, Facebook trên sân nhà

Nền tảng Internet nội so kè quyết liệt với Google, Facebook trên sân nhà

Các nền tảng số trong nước như ứng dụng nhắn tin, mạng xã hội Zalo, trình duyệt Cốc Cốc hiện vẫn đang so kè và có thứ hạng cao khi xếp cùng các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu.

DecisionLab vừa phát hành báo cáo Connected Consumer quý 3/2024. Nội dung báo cáo này đã chia sẻ nhiều số liệu, góc nhìn về sự phát triển và các xu hướng mới của người tiêu dùng số Việt. 

Thống kê của DecisionLab cho thấy, các nền tảng truyền thông xã hội top đầu tại Việt Nam hiện vẫn là những cái tên quen thuộc như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok và Instagram. 

Hiện Facebook đang duy trì vị thế dẫn đầu ở mảng truyền thông xã hội với tỷ lệ thâm nhập lên tới 94% người dùng Internet.

Zalo hiện xếp ở vị trí thứ 2 với tỷ lệ thâm nhập 90%. Đây cũng là nền tảng truyền thông xã hội nội địa duy nhất xuất hiện trong top 5, cạnh tranh sòng phẳng với các gã khổng lồ ngoại quốc. 

Trong mảng truyền thông xã hội, nổi lên là sự xuất hiện của Threads. Tuy nằm ngoài top 5, nền tảng này hiện có sự gia tăng nhẹ về mức độ thâm nhập tại Việt Nam, với thế hệ Gen Z là động lực tăng trưởng chính. 

Các nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu tại Việt Nam dựa trên tỷ lệ thâm nhập. Số liệu: DecisionLab

Thế hệ Gen Z với sự am hiểu hơn về công nghệ sử dụng trung bình 3 ứng dụng truyền thông xã hội cho hoạt động hàng ngày, trong khi con số này là 2 ở các thế hệ trước đó. 

Facebook vẫn là nền tảng quan trọng nhất đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Trong khi đó, Zalo đang duy trì sự thống trị của mình ở nhóm đối tượng người dùng cao tuổi hơn, thế hệ X (Gen X, những người sinh từ năm 1960-1980).

Livestreaming tiếp tục là xu hướng nổi bật trên thị trường thương mại điện tử, mang đến cuộc cách mạng về trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người dùng Internet.

Facebook hiện là nền tảng dẫn đầu về mức độ thâm nhập khi chiếm tới 62% thị phần phát trực tiếp tại Việt Nam. Tuy nhiên, TikTok đang thu hẹp đáng kể khoảng cách với tỷ lệ thâm nhập lên tới 53%. 

TikTok hiện vẫn duy trì vị thế thống trị ở mảng video ngắn tại Việt Nam với tỷ lệ thâm nhập 64%. Các nền tảng xếp theo sau lần lượt là Facebook, YouTube, Zalo và Instagram.

Nền tảng nội Zalo Video hiện vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, đạt tỷ lệ thâm nhập 20%, giữ vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. 

Các nền tảng trình duyệt Internet top đầu tại Việt Nam dựa trên tỷ lệ thâm nhập. Số liệu: DecisionLab

Ở mảng trình duyệt, 3 vị trí dẫn đầu về mức độ sử dụng trên PC tại Việt Nam lần lượt là Google Chrome, Cốc Cốc và Microsoft Edge.

Với trình duyệt trên di động, top 3 trình duyệt được người Việt ưa chuộng là Chrome, Safari và Cốc Cốc. 

Theo nhận định của DecisionLab, dù là một trình duyệt nội địa, Cốc Cốc đang duy trì vị thế vững chắc khi đứng bên cạnh những tên tuổi lớn đến từ quốc tế.

Tỷ lệ thâm nhập trên PC của trình duyệt này hiện ở mức 59% người dùng Internet, chỉ xếp sau Google Chrome (83%), trong khi bỏ xa các trình duyệt khác. 

Dù có lượng người sử dụng trên thiết bị di động thấp hơn các sản phẩm ngoại, trình duyệt Việt Nam lại có chỉ số khuyến khích người dùng ròng (NPS) cao nhất.

Điều này cho thấy mối liên hệ của một nền tảng công nghệ số trong nước với người dân sở tại. 

Các tờ báo, trang tin trong nước đang thu hẹp khoảng cách để trở thành lựa chọn đầu tiên khi có nhu cầu xem tin tức của người sử dụng. Ảnh: Trọng Đạt

Trong lĩnh vực tài chính số, MoMo hiện vẫn duy trì vị thế dẫn đầu tại Việt Nam ở mảng này với mức độ thâm nhập lên tới 69%.

Xếp ở các vị trí tiếp theo về tỷ lệ thâm nhập lần lượt là ZaloPay (44%), các ứng dụng ngân hàng (35%), ViettelPay (27%), ShopeePay (26%), VNPAY (17%). 

DecisionLab nhận định, các ứng dụng ngân hàng tại Việt Nam đang đạt được đà phát triển ở mọi thế hệ, với nòng cốt là người dùng GenZ đóng vai trò thúc đẩy xu hướng. 

Khi được hỏi “Bạn dùng trang web hay ứng dụng nào để đọc tin tức?” 61% người dùng Việt cho biết, họ thường đọc thông tin qua Facebook, 40% đọc tin tức qua Google. 

Các trang web hoặc ứng dụng trong nước hiện chỉ là sự lựa chọn của 38% người sử dụng. Tuy vậy, theo DecisionLab, các tờ báo, trang tin trong nước đang thu hẹp khoảng cách để trở thành lựa chọn đầu tiên khi có nhu cầu xem tin tức của người sử dụng.  

Thống kê cho thấy, các tờ báo, trang tin trong nước hiện là lựa chọn hàng đầu của người dùng thế hệ X và thế hệ Y (Gen Y, sinh từ năm 1981 đến 1996) và xếp thứ 2 trong danh sách lựa chọn của thế hệ Z (sau Facebook).

Trọng Đạt_ Vietnamnet

Read more