Nắm bắt xu hướng Shoppertainment trong thương mại điện tử: Shopee hợp tác cùng Facebook và YouTube, tạo lợi thế cạnh tranh trực tiếp
Trước sự bùng nổ của TikTok trong cả lĩnh vực mạng xã hội và thương mại điện tử, một “liên minh” giữa các thương hiệu lớn đang dần hình thành tại Việt Nam, bao gồm YouTube, Facebook và Shopee. Thông qua việc hợp tác với Facebook và YouTube, Shopee đã có thêm công cụ để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng hiện đang thuộc về các đối thủ. Shopee hình thành “liên minh” hùng hậu cùng Facebook và YouTube
Vào ngày 17/09, Alphabet, công ty mẹ của YouTube, đã hợp tác với nền tảng thương mại điện tử Shopee để ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến mang tên YouTube Shopping tại Indonesia. Tính năng này được xem là giải pháp bán hàng của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới. Đáng chú ý, Google không trực tiếp kinh doanh dịch vụ này mà kết hợp với các đối tác khu vực. Tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Shopee là đơn vị ký kết độc quyền cho dịch vụ này.
Năm ngoái, YouTube đã bắt đầu kế hoạch xin giấy phép hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Indonesia. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 8, nhiều kênh YouTube đã được kích hoạt chức năng này, cho phép người sáng tạo chèn sản phẩm từ các sàn thương mại điện tử vào giỏ hàng ngay dưới video.
Cũng trong khoảng thời gian đó, một tính năng tương tự cũng đã được triển khai trên Facebook. Một số người dùng đã phát hiện đường dẫn mua sắm từ Shopee hiển thị ngay dưới các bài đăng. Meta cũng tiến hành nâng cấp giao diện bán hàng trong các buổi livestream tại Việt Nam, tương tự như TikTok Shop. Đến đầu tháng 10, Meta chính thức công bố một loạt tính năng mới nhằm cải thiện hoạt động bán hàng trên livestream Facebook tại Việt Nam. Giao diện người dùng đã được nâng cấp, cho phép người bán thiết lập nhiều cài đặt liên quan đến sản phẩm.
Trước những thay đổi trên, Facebook được dự đoán sẽ gia nhập cuộc đua khi hợp tác với Shopee tại Việt Nam, để cung cấp tính năng tương tự trên YouTube, từ đó, mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà bán hàng để tiếp cận khách hàng và tăng doanh thu. Chiến lược này của Shopee nhằm mục tiêu bắt kịp xu hướng Shoppertainment (Hình thức mua sắm kết hợp giải trí) mà đối thủ chính của họ đang chiếm ưu thế. Thông qua việc hợp tác với các nền tảng mạng xã hội khác, Shopee đã gia tăng lợi thế cạnh tranh cho mình.
Nhìn chung, thị trường mạng xã hội và thương mại điện tử tại Việt Nam đang chứng kiến những biến động lớn với sự phát triển nhanh chóng của TikTok và mô hình bán hàng Shoppertainment. Mặc dù Facebook, YouTube và Shopee hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau, cả ba đều phải đối mặt với đối thủ chung tại thị trường trong nước. Đối mặt với tình hình này, Facebook, YouTube và Shopee đang tìm cách thích nghi bằng việc ra mắt các chính sách hợp tác chặt chẽ hơn. Bằng cách hình thành một "liên minh”, ba thương hiệu lớn này được kỳ vọng có thể tăng cường sức mạnh cạnh tranh nhằm chống lại TikTok tại Việt Nam.
Mở ra cơ hội mới cho Shopee cùng các nền tảng mạng xã hội có lượng truy cập lớn
Vào cuối năm 2023, Shopee nhanh chóng ra mắt mô hình Shoppertainment. Tuy nhiên, bước đi này chưa phát huy hiệu quả, khi TikTok Shop vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Vấn đề cốt lõi có lẽ nằm ở sự khác biệt trong hành vi của người dùng trên Shopee và TikTok Shop.
Cụ thể, Shopee được định vị như một ứng dụng bán hàng, nơi người dùng thường vào với mục đích mua sắm hoặc tìm kiếm khuyến mãi. Những khách hàng tham gia các buổi livestream cũng chủ yếu thuộc nhóm này, không phải từ nhóm đối tượng mới. Trong khi đó, TikTok Shop nổi bật nhờ việc tích hợp vào nền tảng chia sẻ video giải trí, giúp tiếp cận đến nhóm người dùng không có ý định mua sắm sẵn có, từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng của họ. Vì vậy, Shopee cần tận dụng các mạng xã hội có lượng truy cập lớn tại Việt Nam để tạo ra lợi thế cạnh tranh trực tiếp.
Theo dữ liệu từ Decision Lab, Facebook và YouTube là 2/3 nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, mức độ phổ biến của TikTok chỉ đạt 66%, thấp hơn nhiều so với ứng dụng của Meta và Google. Bằng cách hợp tác với Facebook và YouTube, Shopee đã có thêm công cụ để tiếp cận nhóm khách hàng tiềm năng hiện đang thuộc về đối thủ. Tuy nhiên, so với TikTok, vốn có nguồn truy cập nội sinh mạnh mẽ từ chính nền tảng của mình, Shopee lại phải phụ thuộc vào các đối tác và trả phí theo hình thức tiếp thị liên kết cho từng sản phẩm bán thành công.
Bên cạnh đó, thuật toán phân phối độc quyền cùng với lượng người xem đông đảo đã tạo ra một thế hệ nhà sáng tạo nội dung mới tại TikTok Việt Nam. Mặc dù không yêu cầu trả tiền dựa trên lượt xem, TikTok Shop vẫn mang lại nguồn thu lớn thông qua hoa hồng từ các giao dịch gắn với giỏ hàng. Việc Facebook và YouTube hỗ trợ thêm các phương thức kiếm tiền đã thúc đẩy sự phát triển của lớp nhà sáng tạo mới, từ đó kích thích sự phong phú của nội dung trên nền tảng. Qua đó, các mạng xã hội này không chỉ thu hút mà còn giữ chân người dùng hiệu quả hơn.
Hiện tại, thị phần của TikTok Shop đang tăng vọt trong khu vực, đặc biệt sau khi chiếm ưu thế tại nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia là Tokopedia. Theo báo cáo từ công ty tư vấn Momentum Works, TikTok Shop ghi nhận tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 16,3 tỷ USD tại Đông Nam Á trong năm 2023, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Nhờ sự tăng trưởng ấn tượng này, ứng dụng từ Trung Quốc đã trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Shopee.
Theo báo cáo 2024 của công ty nghiên cứu thị trường YouNet ECI, Shopee hiện đang dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam với hơn 71% thị phần, vượt xa TikTok Shop với 22%. Ứng dụng này cũng ghi nhận lượng truy cập tự nhiên cao nhất trong các nền tảng bán hàng, đạt khoảng 172 triệu lượt mỗi tháng. Những dữ liệu này cho thấy sự áp đảo của Shopee so với các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, Shopee không chỉ phải đối mặt với TikTok Shop của ByteDance mà còn với nhiều đối thủ tiềm năng khác, như Lazada của Alibaba Group Holding, cũng như Shein và Temu của PDD Holdings. Các nền tảng này cũng đang tích cực nhắm đến thị trường Đông Nam Á.
Như Quỳnh_AdvertisingVietnam