Meta sắp ra mắt ứng dụng giống hệt Twitter, mơ trở thành ‘quảng trường số thứ hai’ của nước Mỹ
Meta, công ty mẹ của Facebook, đang lên kế hoạch phát triển mạng xã hội tập trung vào văn bản nhằm cạnh tranh với Twitter.
Theo Reuters, Meta đang nghiên cứu ra mắt ứng dụng mạng xã hội mới với tham vọng đối đầu Twitter trong vai trò “quảng trường số”.
“Chúng tôi đang xem xét phát triển một mạng xã hội độc lập để chia sẻ các nội dung cập nhật dạng văn bản. Meta chắc hẳn sẽ có cơ hội xây dựng một không gian riêng, nơi các nhà sáng tạo nội dung và người dùng chia sẻ thông tin về những vấn đề họ quan tâm”, đại diện Meta nói.
Được biết, ứng dụng mới của Meta sẽ được phát triển trên công nghệ vận hành Mastodon - một dịch vụ tương tự Twitter được triển khai vào năm 2016.
Theo các chuyên gia, một mạng xã hội giống Twitter có thể giúp Meta tận dụng tối đa cơ hội, trong bối cảnh nền tảng này đang phải trải qua giai đoạn khó khăn sau khi về tay Elon Musk. Nó thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật do bộ máy nhân sự vận hành không đảm bảo, thậm chí còn “dính phốt” trễ hẹn thanh toán tiền thuê mặt bằng.
Nỗ lực trấn an ngành quảng cáo - lĩnh vực vốn chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh của Twitter cũng nhanh chóng lu mờ ngay từ những ngày đầu tiên Musk trở thành chủ sở hữu mới. Nhiều chuyên gia dự báo, một cuộc di cư các thương hiệu quảng cáo lớn có thể sẽ sớm diễn ra.
“Tôi nghĩ các nhà quảng cáo sắp rời đi thôi. Đó rất có thể là một bước ngoặt địa chấn đối với lĩnh vực này”, Claire Atkin, đồng sáng lập cơ quan giám sát công nghệ kiểm tra quảng cáo nhận định.
Cùng lúc đó, Facebook cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút những người dùng trẻ. Khoản đầu tư lớn vào metaverse chưa mang lại nhiều thành quả, ít nhất là trong tương lai gần.
“Nhiều báo cáo cho thấy Horizon Worlds mang lại trải nghiệm kém hấp dẫn và hầu hết chỉ tập trung vào các trò chơi”, chuyên gia phân tích truyền thông Paolo Pescatore của PP Foresight cho biết.
Lúc này, Instagram cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhiều nhà sáng tạo nội dung chuyển sang sử dụng TikTok. Nền tảng này trước đó đã buộc phải ra mắt Reels - tính năng “ăn theo” ứng dụng video ngắn của Trung Quốc để kéo thêm người dùng TikTok và hướng họ trở thành những “Facebook-ers’’.
Được biết các nền tảng của Meta sở hữu một lượng lớn người dùng, song TikTok và một số các ứng dụng khác lại đang là nơi tạo nên xu hướng nhờ những video viral và hài hước. Nếu Instagram và Facebook muốn trở thành những nền tảng như vậy, họ sẽ phải tìm cách xoay chuyển tình thế.
Thuật toán sắp xếp những gì hàng tỷ người dùng nhìn thấy mỗi ngày là bước đi đầu tiên khá nghiêm túc của Meta. Meta cũng dự định trả phí nhiều hơn cho những người sáng tạo nội dung, song dường như việc cắt giảm chi tiêu cho Reels khiến Mark Zuckerberg chưa vội hiện thực hóa kế hoạch này.
Theo Reuters, hiện chưa rõ thời điểm Meta ra mắt ứng dụng mạng xã hội mới. Dự án được điều hành bởi CEO Instagram Adam Mosseri, nhằm giúp Meta mở rộng các sản phẩm ra ngoài Facebook, WhatsApp và Instagram, qua đó thâm nhập lĩnh vực mà Twitter thống trị bất lâu nay.
Một cách mỉa mai, nhiều người cho rằng bản thân Meta rất có kinh nghiệm trong việc sao chép tính năng của đối thủ. Trên thực tế việc Instagram chạy theo TikTok hay giờ là Twitter không phải chuyện lạ. Trước đó, nó đã cố gắng bắt chước cả Snapchat bằng cách ra mắt Instagram Stories.
Trước đó, Meta cũng tuyên bố cung cấp dịch vụ đăng ký giá 15 USD để nhận tick xanh, miễn là người dùng đó cung cấp mã định danh cá nhân. Động thái được cho là “ăn theo” Twitter của Elon Musk.
Theo Mandeep Singh của tờ Bloomberg, dịch vụ mới có thể giúp Meta kiếm thêm từ 2 – 3 tỷ USD doanh thu mỗi năm. Chúng khá nhỏ nếu so với hơn 100 tỷ USD doanh thu công ty này đạt được vào năm 2022, song vẫn có ý nghĩa hơn nếu so với số tiền đã mất vì vũ trụ ảo.
“Lịch sử cho thấy Meta là một doanh nghiệp giỏi thâu tóm hơn là sáng tạo hay phát triển. Với việc sao chép Twitter chính là một động thái phòng thủ”, ông Thomas Hayes, Chủ tịch kiêm thành viên điều hành của Great Hill Capital, chia sẻ. “Họ đang cố gắng thử mọi thứ và Meta kỳ vọng rằng một mạng xã hội tương tự Twitter có thể giúp họ kiếm tiền nhanh hơn là đầu tư vào metaverse”.
Theo các chuyên gia, thách thức đối với hoạt động kinh doanh cốt lõi của Meta đang ngày một nhiều, trong bối cảnh công ty tỷ USD này đang dồn tiền phát triển vũ trụ ảo. Khoản lỗ từ tham vọng “siêu ngược” của công ty dự kiến sẽ “tăng đáng kể” vào năm 2023, theo CNN.
Trước đó, đại diện Meta từng tuyên bố nền kinh tế siêu dữ liệu có thể trị giá hơn 3.000 tỷ USD vào năm 2031, song nghiên cứu gần đây cho thấy đa số gen Z đều thờ ơ với cuộc cách mạng này. Theo tài liệu nội bộ WSJ thu thập, số lượng người dùng Horizon Worlds mỗi tháng cũng chỉ chưa đến 200.000.
Nguồn: Reuters, Bloomberg
Theo Vũ Anh - Nhịp sống thị trường